Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Chiến thuật trận Man Utd - Man City: Lửa chơi với lửa

Mourinho quyết tâm hơn
Cả Man United lẫn Man City đều bước vào trận đấu với tâm lý thèm khát chiến thắng. Man United thì muốn thắng để quên đi thảm bại 0-4 trước Chelsea ở Premier League hồi cuối tuần. Man City thì muốn thắng để cắt mạch trận không thắng đã kéo dài tới con số 5. Trong quá khứ, Pep Guardiola chưa bao giờ không thắng trong 6 trận liên tiếp.
Tuy nhiên, nhìn vào đội hình xuất phát của 2 đội thì ta có thể thấy rõ rằng Mourinho là người coi trọng trận đấu này hơn. Đội hình Man United gần như là đội hình mạnh nhất của họ ở thời điểm này, với sự có mặt của Ibra, Pogba, Herrera, Valencia, De Gea và Rashford. Những sự điều chỉnh so với trận thua Chelsea, như việc Carrick và Mata được đá chính, cũng nhằm hướng tới việc cải thiện lối chơi chứ không phải giữ quân.
Man City, trong khi đó, tung ra một đội hình gồm phần lớn các cầu thủ dự bị, với sự xuất hiện của 2 cầu thủ trẻ là Maffeo ở vị trí hậu vệ phải và Alex Garcia ở vị trí tiền vệ trung tâm. HLV Guardiola cũng bố trí một đội hình tương đối lạ lẫm, gần như là 4-4-2, với 2 người chơi cao nhất là Sane và Iheanacho.
Man United pressing
Một trong những vấn đề lớn nhất của Man United trong giai đoạn đầu mùa là khả năng pressing kém cỏi. HLV Jose Mourinho thì nói đó là hậu quả của việc các cầu thủ đã bị ảnh hưởng quá sâu bởi triết lý của Louis van Gaal. Để khắc phục vấn đề này, Mourinho buộc phải chọn phương án dựng xe bus trong các trận đại chiến. Nhưng thất bại tan tác trước Chelsea đã khiến ông phải thay đổi.
Trong trận đấu với Man City, Mourinho đã yêu cầu các học trò phải đẩy cao đội hình và gây sức ép với đối phương ngay khi thủ môn họ còn đang cầm bóng. Và để tăng hiệu quả cho những pha pressing, ông đã có một điều chỉnh đáng chú ý, là đẩy Herrera lên cao hơn Pogba mỗi khi đội nhà cần gây sức ép.
Khác với Pogba thường tỏ ra hờ hững và thiếu ý thức vị trí, Herrera, vốn là học trò của trường phía Bielsa, có thể xem là một chuyên gia pressing. Anh đủ thông minh để biết lúc nào là thời điểm thích hợp để kích hoạt một đợt pressing, và thừa sự quyết liệt để đeo bám đối phương tới khi họ buộc phải đưa ra những lựa chọn gấp gáp.
Trên đây là một số tình huống Man United sử dụng high press với đầu tàu Herrera. Hãy chú ý cái cách Herrera đánh mắt qua vai quan sát trước khi anh gây sức ép với người có bóng. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất khi thực hiện pressing: Vừa phải gây sức ép với người giữ bóng, vừa phải ngăn chặn được ít nhất một phương án chuyền bóng của đối phương, thông qua cái mà chúng ta gọi là cover shadow (“đặt” đối phương vào khoảng tối sau lưng mình).
Cách chơi này của Man United tỏ ra thực sự hiệu quả. Thủ môn Caballero  và các hậu vệ Man City liên tục phải phá bóng ra biên hoặc câu bổng lên phía trên dưới sức ép của các cầu thủ Man United. Ý đồ triển khai bóng tuần tự để đạt tới sự ổn định sau 15 đường chuyền theo triết lý của Guardiola đã bị phá sản ngay từ đầu.
Cũng từ một pha pressing tầm cao, hay gọi là gegenpressing cũng được, Man United đã có được bàn mở tỉ số của Juan Mata.
Tuy nhiên, cũng phải nói luôn rằng Man City trong trận đấu này không phải là Man City tốt nhất. Rất nhiều cầu thủ của họ không đủ chất lượng để thoát ra an toàn khỏi bẫy pressing của Man United. Nếu thay những Fernando, Alex Garcia, Nolito/Navas bằng Fernandinho, Silva, Gundogan hay De Bruyne thì chắc chắn câu chuyện sẽ khác.
Man City trông cậy vào Navas
Ý đồ của Man City khi tấn công được thể hiện khá rõ. Họ muốn đặt Jesus Navas vào thế một đối một với các hậu vệ của Man United, ở đây là hậu vệ trái Luke Shaw, càng nhiều càng tốt. Đấy là cách Guardiola vẫn hay làm để chống lại những đội bóng chơi với đội hình chặt. Hồi còn dẫn dắt Bayern, đội bóng của Guardiola từng vùi dập Roma 7-1 ngay tại Rome bằng cách tạo điều kiện cho Robben đối mặt với Ashley Cole nhiều nhất có thể.
Để làm được điều đó, Man City chủ trương dồn bóng vào một cánh, ở đây là cánh trái, dùng những pha phối hợp nhỏ để khiến đội hình của Man United nghiêng hết về cánh này, trước khi mở bóng nhanh cho Navas ở tư thế trống trải bên cánh đối diện. Những ai từng tìm hiểu về phong cách Juego de Posicion sẽ thấy đây thực ra là một phần trong nguyên tắc của cách chơi này: Tạo ra một freeman (cầu thủ tự do) ở khu vực đối phương có ít người.
Đấy là một lựa chọn không tệ. Ngay đầu trận thì Iheanacho đã suýt ghi được bàn thắng từ một quả tạt của Navas. Cầu thủ người Tây Ban Nha với những pha đẩy bóng đơn giản vẫn có thể thoát được Luke Shaw để đưa bóng vào nhờ có tốc độ tốt. Ngoài tình huống nói trên, anh còn có không ít lần khác khiến hệ thống phòng ngự của Man United chao đảo.
Vấn đề là, không như Robben, lối chơi của Navas lại quá mộc. Nếu anh có khả năng đi bóng từ cánh vào giữa, thì chắc chắn là những pha tấn công của Man City sẽ trở nên khó đoán hơn. Khi đó, Navas sẽ có rất nhiều lựa chọn, hoặc là sút bóng, hoặc là chuyền bóng cho người ở vị trí thuận lợi hơn ở trung lộ, hoặc tung ra những pha chọc khe theo đường chéo. Đằng này, Navas một khi qua được người chỉ biết tạt, và khi chất lượng các quả tạt cũng…  bình thường, thì cách tấn công của anh sớm trở nên đơn điệu và dễ đoán.
Phối hợp nhỏ với Mata
Trong hai cầu thủ “đá cánh” của Man United, Marcus Rashford có xu hướng bám biên trái, trong khi Juan Mata chỉ bám biên khi phòng ngự. Mỗi lúc Man United lên bóng, anh thường xuyên di chuyển vào giữa, vừa để tạo ra khoảng trống cho Valencia băng lên, vừa để tham gia vào những pha phối hợp tấn công ở khu vực nguy hiểm nhất trước cầu môn của Man City.
Trận gặp Man City, có thể nói, là trận đấu mà các cầu thủ Man United thực hiện được nhiều nhất những pha phối hợp nhỏ với độ nhuần nhuyễn cao từ đầu mùa. Trong những pha phối hợp ấy, Mata thường đóng vai trò như một điểm tham chiếu để cả hệ thống xoay quanh. Chất lượng kỹ thuật trong những pha xử lý của anh giúp Man United có thể đưa được bóng lên phía trước ngay cả khi đối phương gây áp lực mạnh.

Nhờ khả năng kết nối tuyệt vời của Mata, và sự điềm tĩnh do Michael Carrick mang lại ở phía dưới, Man United có nhiều thời điểm cầm được bóng rất lâu, như cuối hiệp 1 hay đầu hiệp 2. Việc giữ được bóng lâu giúp Man United kéo giãn được đội hình của Man City theo ý mình, và tạo ra những bất ổn trong một hệ thống phòng thủ của một đội bóng vốn không quen phòng ngự lùi sâu.
Guardiola bất lực
Sau bàn thua, Pep Guardiola quyết định tung 2 cầu thủ tấn công tốt nhất của ông là Sterling và Aguero vào sân. Cả 2 đều di chuyển khá tự do, với mục đích làm rối loạn hệ thống phòng ngự của Man United.
Tuy nhiên, Mourinho cũng chẳng vừa khi đưa Morgan Schneiderlin vào sân ngay sau khi Aguero có mặt. Cầu thủ người Pháp chơi như một tiền vệ tự do, với nhiệm vụ gây sức ép lên các cầu thủ đối phương bất kỳ khi nào họ mon men tới khu vực giữa sân. Ý thức ị trí tốt của Schneiderlin buộc Man City phải quay lại với những pha xuống biên. Nhưng tất cả những quả tạt đều không hiệu quả trước hàng thủ được tổ chức rất tốt của Quỷ đỏ.
Tóm lại, đây là một thất bại xứng đáng của Man City. Nhưng nếu chúng ta đặt trận đấu về đúng bản chất của nó là một trận đấu ở vòng 4 Cúp Liên đoàn, chứ không phải là một trận derby giữa 2 trong số những đội bóng đáng chú ý nhất vào thời điểm này, giữa 2 HLV nhiều ân oán nhất, và đang trong thời điểm khó khăn nhất, thì Guardiola chẳng có gì phải quá căng thẳng. Cúp Liên đoàn, về cơ bản, chỉ đứng thứ tư trong thứ tự ưu tiên, và việc Guardiola dùng đội hình 2 là hoàn toàn hợp lý.
Nhưng về phần Man United, họ hoàn toàn có thể tự hào với những gì mà mình đã thể hiện trong trận đấu. Nhiều tín hiệu lạc quan, về cách đội bóng phòng ngự bằng pressing, về việc khiến đối phương không thể chơi theo cách họ muốn, về khả năng làm chủ của tuyến tiền vệ, đã xuất hiện trong trận đấu. Đó là nguồn dinh dưỡng tốt cho niềm tin. Trong bóng đá, đôi khi có niềm tin là có tất cả.